Các biển báo giao thông là các biển hiệu được lắp đặt trên đường nhằm cung cấp thông tin cần thiết đến người tham gia giao thông. Những biển báo này giúp hướng dẫn, cảnh báo và quy định hành vi của các phương tiện và người đi bộ.
Dạy lái xe Sao Việt sẽ thông tin tổng hợp 5 loại biển báo giao thông đường bộ tại Việt Nam. Nắm vững sẽ giúp bạn tự tin tham gia bài thi lý thuyết khi học bằng lái.
Tổng quan về biển báo giao thông
Căn cứ vào khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định rằng hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm các thành phần:
- Hiệu lệnh từ người điều khiển giao thông
- Đèn tín hiệu giao thông
- Biển báo
- Vạch kẻ đường
- Cọc tiêu hoặc các loại tường bảo vệ và rào chắn
Trong hệ thống báo hiệu đường bộ, biển báo giao thông giữ vai trò quan trọng. Trong trường hợp một khu vực có nhiều loại báo hiệu cùng lúc, người tham gia giao thông cần chấp hành theo trình tự ưu tiên:
Hiệu lệnh từ người điều khiển giao thông -> Đèn tín hiệu giao thông -> Biển báo giao thông -> Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Lưu ý: Nếu tại một vị trí có biển báo cố định và xuất hiện thêm biển báo tạm thời với ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải thực hiện theo chỉ dẫn của biển báo tạm thời. Đăng ký học bằng lái xe để hiểu chi tiết về các loại biển báo.
5 loại biển báo giao thông Việt Nam
Biển báo giao thông bao gồm 5 loại cơ bản, căn cứ theo khoản 4 Điều 10 của Luật Giao thông đường bộ, hệ thống như sau:
- Biển báo cấm
- Biển hiệu lệnh
- Biển báo nguy hiểm và cảnh báo
- Biển chỉ dẫn
- Biển phụ, biển viết bằng chữ
Biển báo cấm
Biển báo cấm là biển chỉ dẫn giao thông quy định những hành vi mà người tham gia giao thông không được thực hiện.
Đặc điểm biển báo cấm: Thường có dạng là hình tròn, có viền đỏ, nền trắng và ký hiệu/chữ số màu đen để thể hiện điều cấm.
Biển báo “Cấm” (P) và biển báo “Hết cấm” (DP).
Tìm hiểu khóa học học lái xe bằng C tại TP.HCM chất lượng, giá tốt
Biển hiệu lệnh
Biển hiệu lệnh là loại biển báo đưa ra các chỉ dẫn mà người tham gia giao thông bắt buộc phải tuân theo. Người điều khiển phương tiện phải thực hiện theo các hiệu lệnh được ghi trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt).
Đặc điểm của biển báo hiệu lệnh: Biển hiệu lệnh hình tròn, nền xanh lam, với hình vẽ màu trắng. Khi hiệu lệnh không còn hiệu lực, vạch chéo màu đỏ từ trên xuống và từ phải qua trái sẽ được kẻ lên hình màu trắng. Biển hiệu lệnh có mã R và R.E.
Biển báo nguy hiểm và cảnh báo
Biển báo nguy hiểm và cảnh báo, cảnh báo người tham gia giao thông về những nguy cơ hoặc điều cần chú ý trên đường. Khi gặp những biển báo này, người lái xe phải giảm tốc độ, tập trung quan sát và sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ nhằm phòng ngừa tai nạn.
Đặc điểm biển báo nguy hiểm và cảnh báo: Biển báo nguy hiểm chủ yếu có dạng hình tam giác đều, đỉnh tròn, một cạnh nằm ngang và đỉnh hướng lên trên, ngoại trừ biển W.208 với đỉnh hướng xuống dưới.
Biển báo nguy hiểm mã W như:
- W.201 (a,b) – Chỗ ngoặt nguy hiểm
- W.212 – Cầu hẹp
- W.227 – Công trường
Biển chỉ dẫn
Biển báo chỉ dẫn cung cấp các chỉ dẫn hướng đi và thông tin cần thiết, hỗ trợ người điều khiển phương tiện trong việc di chuyển thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông trên đường.
Đặc điểm của biển báo chỉ dẫn: Biển báo chỉ dẫn chủ yếu có dạng hình vuông, hình chữ nhật hoặc mũi tên, nền màu xanh lam với hình vẽ và chữ viết màu trắng.
Biển phụ, biển viết bằng chữ
Biển phụ thường dùng để bổ sung hoặc thuyết minh cho các biển báo chính, ngoại trừ biển số S.507 “Hướng rẽ” có thể sử dụng độc lập.
Biển phụ có mã như S, SG hay SH:
- S.501 (phạm vi tác dụng)
- S.502 (khoảng cách báo hiệu)
- S.H,3 (a, b, c) (hướng tác dụng)
Đặc điểm của biển báo phụ: Hình chữ nhật hoặc vuông, nền màu trắng với hình vẽ và chữ viết màu đen. Nếu nền biển có màu xanh lam, chữ viết sẽ được chuyển thành màu trắng.
Biển phụ được đặt ngay dưới biển chính, ngoại trừ biển S.507 là được đặt độc lập tại phía lưng đường cong đối diện hướng đi hoặc giữa đảo an toàn ở các điểm giao nhau.
Một số biển báo giao thông thường gặp
Dưới đây là một số biển báo giao thông thường gặp nhất:
Biển báo cấm đi ngược chiều
Căn cứ theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo cấm đi ngược chiều có dạng hình tròn với nền màu đỏ và một gạch ngang lớn màu trắng ở giữa. Biển báo này thường đặt tại đầu các tuyến đường một chiều, được gọi là biển báo hiệu đường 1 chiều.
Biển báo cấm đi ngược chiều có ý nghĩa cảnh báo đoạn đường phía trước cấm tất cả các phương tiện (cơ giới và thô sơ) di chuyển theo chiều biển đặt. Ngoại trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ như xe cứu hỏa, xe quân sự, xe công an, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương,..
Biển báo dành cho người đi bộ
Biển báo giao thông dành cho người đi bộ gồm:
- Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ” – cảnh báo đoạn đường phía trước cấm người đi bộ.
- Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang” – cảnh báo sắp tới là phần đường dành cho người đi bộ, yêu cầu các phương tiện nhường ưu tiên cho người đi bộ.
- Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ” – chỉ ra đoạn đường dành riêng cho người đi bộ, cấm các loại xe cơ giới và thô sơ (ngoại trừ xe lăn và xe đạp).
- Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang” – chỉ dẫn về vị trí dành cho người đi bộ sang qua đường, yêu cầu các phương tiện chạy chậm, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ.
- Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ” – chỉ dẫn cho người đi bộ và người lái xe biết nơi bắt đầu đoạn đường dành cho người đi bộ.
- Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ” – hướng dẫn người đi bộ sử dụng cầu vượt khi qua đường.
- Biển báo I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ” – hướng dẫn người đi bộ sử dụng hầm chui khi qua đường.
Biển báo cấm đỗ xe
Căn cứ QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao thông cấm đỗ xe bao gồm ba biển con:
- Biển báo P.131a, cấm đỗ xe tại đoạn đường có biển này, trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
- Biển báo P.131b, cấm đỗ xe vào các ngày lẻ của tháng, trừ xe ưu tiên làm nhiệm vụ.
- Biển báo P.131c, cấm đỗ xe vào các ngày chẵn của tháng, ngoại trừ các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.
Mẹo vui: Bạn có thể đặt câu hỏi về các loại biển báo như cách kiểm tra bằng lái xe thật giả. Bởi những ai đã thi bằng đều phải ghi nhớ các loại biển cơ bản này.
Biển báo cấm rẽ phải
Biển báo giao thông cấm rẽ phải, ký hiệu P.123b “Cấm rẽ phải”, có hình dạng tròn với viền đỏ và mũi tên chỉ phải kèm theo gạch chéo màu đỏ.
Biển báo này báo hiệu cấm rẽ phải tại các giao lộ. Nó áp dụng cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ phải, ngoại trừ các xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ.
Lưu ý: biển không có hiệu lực cấm quay đầu xe.
Xem thêm: Đèn đỏ có được rẽ phải không? Có bị phạt không?
Biển báo cấm rẽ trái
Biển báo giao thông cấm rẽ trái, ký hiệu P.123a “Cấm rẽ trái”, có hình tròn với viền đỏ và nền trắng, bên trong có mũi tên chỉ trái kèm theo gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển này có ý nghĩa cấm rẽ trái tại các giao lộ. Nó áp dụng cấm tất cả các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ trái, ngoại trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ.
Lưu ý: biển không có giá trị cấm quay đầu xe.
Biển báo giao thông cấm quay đầu xe
Biển báo cấm quay đầu xe, ký hiệu P.124 (a,b) “Cấm quay đầu xe”, có dạng hình tròn với viền đỏ và nền trắng, bên trong có mũi tên đen hình chữ U cùng với gạch chéo màu đỏ từ trên xuống.
Biển này có ý nghĩa cấm các loại xe quay đầu (theo kiểu mũi tên chỉ) tại đoạn giao nhau phía trước.
Kết luận
Các biển báo giao thông giúp đảm bảo trật tự, an toàn và hướng dẫn người tham gia giao thông một cách hiệu quả. Với sự phân loại rõ ràng thành 5 nhóm cơ bản cùng đặc điểm và ý nghĩa riêng, hệ thống biển báo giao thông góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật lệ, giảm thiểu rủi ro.